Trong mỗi mối quan hệ, từ gia đình đến tình yêu, bạn bè, hay đồng nghiệp, sẽ có những lần xảy ra mâu thuẫn hay bất đồng. Không phải lúc nào cũng hòa thuận và đồng nhất suy nghĩ. Nhưng đã là người thương yêu nhau, khi đối mặt với tranh cãi, điều quan trọng nhất không phải là thắng thua, mà là làm sao để hiểu và thấu cảm nhau hơn.
Ta thường quên mất rằng trong những lúc tranh cãi, nếu mục đích là để thắng người mình thương, thì có lẽ mình đã thua ngay từ đầu. Thắng người mình thương không bao giờ đem lại niềm vui trọn vẹn. Khi cứ cố gắng để ý kiến mình chiếm ưu thế, để quan điểm mình phải đúng, thì chính ta đã tự xây một bức tường xa cách dần dần giữa cả hai.
Có những lúc tranh luận, chúng ta bị cuốn vào sự tự ái, vào cái tôi muốn chiếm ưu thế. Nhưng ai đã thương nhau, sẽ hiểu được rằng, chiến thắng nhỏ nhoi ấy chỉ làm mất đi những giá trị lớn hơn rất nhiều đó là tình cảm, sự tin tưởng và đồng cảm giữa cả hai. Vì vậy, thay vì cố gắng để chứng minh rằng mình đúng, ta nên học cách hiểu và tôn trọng góc nhìn của người kia. Có thể góc nhìn đó chưa trọn vẹn, có thể nó đối lập với suy nghĩ của ta, nhưng người mình yêu thương là cả một thế giới, mà để hiểu được, cần nhiều hơn là chỉ vài lời tranh luận thắng thua.
Một cuộc đối thoại chân thành không tìm kiếm chiến thắng mà là sự đồng điệu, sự lắng nghe và sự cảm thông. Trong những lúc tranh cãi, hãy tự hỏi rằng, liệu có đáng để mình dồn hết sức lực, để cố gắng thắng bằng mọi giá? Hay tốt hơn là cùng lùi lại, cùng lắng nghe để hiểu, để yêu nhau nhiều hơn? Thắng người mình thương không mang lại hòa bình, không mang lại sự thân thuộc. Nếu làm tổn thương người ta yêu, đó đâu phải là một chiến thắng. Tình yêu, sự thấu hiểu, và sự nhường nhịn không phải là yếu đuối, mà chính là sức mạnh thật sự của một mối quan hệ.