Cân bằng cuộc sống

Tử tế đi xa… Một chiếc chất phát của người Tây Đô

Năm tôi 10 tuổi, mẹ cho tôi đi chuyến xe đò thật dài về Cần Thơ, qua hai chiếc phà. Chị bán bánh phồng sữa chìa một chùm bánh ra mời mẹ mua. Mẹ lắc đầu từ chối mua và chị tiếp tục đi mời người khác. Mẹ bảo: “đồ ăn mua trên phà toàn hư cũ, đến nhà ngoại mẹ mua cho.” Nhưng tôi òa khóc đòi cho bằng được.

Tham gia 10, 2023

1. Chiếc bánh cho sự thiệt thà ấy

Năm tôi 10 tuổi, mẹ cho tôi đi chuyến xe đò thật dài về Cần Thơ, qua hai chiếc phà. Chị bán bánh phồng sữa chìa một chùm bánh ra mời mẹ mua. Mẹ lắc đầu từ chối mua và chị tiếp tục đi mời người khác. Mẹ bảo: “đồ ăn mua trên phà toàn hư cũ, đến nhà ngoại mẹ mua cho.” Nhưng tôi òa khóc đòi cho bằng được.

Mẹ ngần ngừ rồi cũng gọi chị lại. Mẹ chọn một túi. Chị chặn mẹ lại: “Chị ơi, chị lấy cái này nghen, bánh mới hơn, dẻo lắm, cho bé nó ăn. Cho con nít ăn em không bán gian đâu.”

Đúng là chị nói thiệt. Tôi cuốn từng cái bánh phồng dai dai ngọt ngọt, nhai từ trên phà đến tận nhà Ngoại ở Ninh Kiều, ăn mãi hai ngày sau mới hết. Mẹ cũng nói người bán hàng mà sao thiệt thà, không để người ta mua hết bánh cũ đi, mà lại cản đưa cho bịch bánh mới. Miền Tây hồi đầu tôi gặp là vậy. Có chị bán bánh phồng không nói dối bánh cũ hay mới, dù bán tận trên phà bươn bả.

2. Người miền Tây lạ lắm

Rồi tôi lớn lên, mang theo ý niệm bánh phồng đó mỗi lần đi công tác mỗi khi về miền Tây. Có lần tôi đi chợ thị xã với thầy. Đứng cạnh một bác lớn tuổi, bác đòi cô bán hàng quay cái cân ra cho bác nhìn, đặng biết cô không cân thiếu. Về nhà thầy bảo: “Khi một người nông dân phải cân thiếu, đó là sự tổn thương của cả vùng đất con ạ.” Rồi thầy kể về những ngày thầy đi chợ thay vợ vì cô đang ở nhà sau sanh. Thầy lớ ngớ mua chẳng biết trả giá. Ban đầu mấy bà bán cũng nói giá cao này nọ, nhưng thầy nhận ra họ thấy thầy… khờ thiệt, nên họ chặc lưỡi dúi thêm vào túi thầy mấy cọng ngò, hành, vài quả ớt và có khi cả vài quả cà chua hay nắm bông bí. Mỗi ngày đi chợ về, thầy nhìn mớ đồ ăn đều mỉm cười như được bàn tay những bà hàng xa lạ săn sóc cho cả vợ mình ngày sanh nở.

Cuộc đời có những bước ngoặt không ai ngờ. Với những người ở Cần Thơ như thầy, là chứng kiến Tây Đô bừng nở giàu có, là chứng kiến những phiên chợ sum suê sắc màu trở thành một không gian khác lạ. Người bán không nhớ người mua là ai nữa vì đông quá. Người bán không “nương tay” trước người mua khờ khạo nữa. Người mua cũng chẳng nề hà nhấn mạnh cái sự không tin cẩn bằng hành động không khoan nhượng: coi cân, ép giá, cãi cọ ùm xòe.

Khi người nông dân phải cân thiếu, đó là sự tổn thương vô hình. Cô bán hàng đó chắc cần nhiều tiền hơn để lo hàng hóa ra vào, lo cho thằng con đi học, lo sửa xe cho anh chồng chạy xe ôm. Cô hàng chè trong chợ cho du khách hét giá cao lên với anh khách lơ ngơ chắc cũng cần tiền cho bao chi trả không ngừng của đời sống. Ai cũng cần tiền. Khi cần tiền quá người ta trở nên vội vàng xuống tay với kẻ mua lù khù không quen biết.

3. Có ai hiểu được người nông dân cơ chứ

Có lần, tôi xuống An Giang, đi chơi một vòng hỏi mấy cô làm lúa trên ruộng nhà. Một cô rành rẽ tiền bạc, tính cho tôi nghe hết một vụ, không sâu bệnh, không mất giá, không lép hạt, nhà cô kiếm được 38 triệu. Cả chồng, cả cô và một đứa con trai. Thời đó, 38 triệu chỉ mua được một chiếc xe máy coi được. 38 triệu chắc đủ đóng học phí vài kỳ nếu cô lỡ có đứa nào đang học đại học. 38 triệu không đủ tiền nuôi ăn một đứa thanh niên một năm nếu đang dở học nghề cao đẳng. 38 triệu đó là công sức lao động của cả gia đình cho một mùa không biến số.

Ủa ra ở xứ gạo đầy lúa chất người ta nghèo vậy? Ra ở xứ cá lội dưới sông người ta thiếu vậy. Ra ở xứ cây trái xanh biếc bốn mùa, người ta bạc mặt cho trời để có được sum suê giàu thịnh vậy. Có nhiều cái “ra vậy” mà bọn thành phố có chuẩn mực sống và tiêu tiền khác không thể nào tưởng ra nổi. Khi người nông dân phải cân thiếu, chắc lúa không đủ ăn, cá không đủ no và dừa tươi bưởi thơm không đổi thành sung túc được.

Nhưng tôi vẫn nhớ đầy đủ hình ảnh chị bán bánh phồng sữa, da xù xì sạm sạm, miệng cười toe toét, nón lá che ngang, cản mẹ tôi và dúi vào tay tôi túi bánh phồng mới tinh không dính bụi phà. Hình ảnh về chị mạnh mẽ tới nỗi có lần tôi phải chở giáo sư đi xe máy lội vô cù lao Tân Lộc để chụp ảnh. Chiều muộn hết phà, giáo sư hỏi hay mình quay về Thốt Nốt nghỉ vì cồn không có khách sạn. Tôi lùi lũi đi bộ trên cồn, đứng hỏi cô bác có ai dư phòng cho tụi con nghỉ lại, con gửi lại chi phí phòng. Tự dưng có hai bác lớn tuổi đi ra, nói thông dịch cho giáo sư, là nhà tui sạch sẽ có phòng riêng, con gái tui lấy chồng Hàn Quốc nên không ở nhà, giáo sư có thể ngủ ở đó.

Từ bữa ngủ nhờ đêm đó, gia đình bác cho tụi tôi ở nhờ hết mùa công tác, khỏi qua lại Thốt Nốt chi cho cực. Bác gái thường lo lắng không biết giáo sư có ăn chay được không (vì gia đình bác ăn chay). Bác trai thường đi lại trong làng “kiểm tra” xem tụi tôi có ổn không, có ai bắt nạt không, cần xách đồ gì về giùm. Thỉnh thoảng trên cồn, tôi gặp mấy bạn trai trẻ bằng tuổi mình nằm đong đưa trên võng quán cà phê nghe nhạc sập sình hoặc uống chút gì đó rồi xỉn mèm ngủ mất. Bác trai bảo thanh niên ở cồn đi thành phố làm việc hết, có chút tiền hay mất việc thì về quê, rồi lại đi. Cứ vậy. Về cồn chỉ vậy thôi.

Ngày ra về, bác gái mua cho tụi tôi một túi ổi to bảo xách về phố ăn, ở phố không có ổi chín cây giòn vậy đâu. Tôi xách túi ổi đi khỏi làng, bắt gặp những hàng cây trái xanh biếc vụ trong cồn năm đó, và thấy mắt mình cấn cá mãi hình ảnh mấy bạn bằng mình chẳng thể làm gì khác trên cồn đất ngọt ngào và vất vả.

Tôi dần hiểu rằng xứ này không giàu có ngút ngàn như thuở tôi lên năm lên mười nữa. Sự khổ sở lan đến tận những đứa trẻ thời thịnh vượng như tôi, việc làm, tiền, hấp lực đời sống. Cái nhịp vũ bão đó không cách gì quen được. Cái nhịp nhàng tiền ra tiền vào tiền biến mất đó hay ho ở đâu, chứ ở xứ này, nó làm người ta kiệt quệ, xơ xác và mòn mỏi dần tin thương. Những người lạ như tôi, không sống đến cạn lòng ở xứ sở này, không nên đem lòng phán xét sự tử tế, thiện tâm hay đổi thay tâm tình người ta phải trải qua bằng vị đắng của tiền bạc pha với hương thơm gạo mới mỗi mùa.

Khi những cánh đồng bạt ngàn tự hào không đổi được cơm ngon. Khi những vườn trái cây diệu kỳ không xoay trở được phận người mắc kẹt. Khi dòng sông không mở ra tự do kỳ vĩ mà khiến người trẻ kẹt lại trong thắc thỏm thèm khát đủ đầy. Khi người nông dân phải cân thiếu, là cả vùng đất bị tổn thương rồi.

Còn những đứa như tôi, lớn lên trót ăn phải túi bánh phồng sữa thơm phức của chị bán trên phà, sẽ thật tâm tin rằng xứ đồng bằng này sẽ đi qua cơn ác mộng mệt nhoài như vầy của thế kỷ, để người cõi này tỉnh dậy quay trở về với thẳng thớm như xưa.

P/s: chuyện quanh ta.

24

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*