Âm nhạc không chỉ để lắng nghe, mà nó còn là món ăn tinh thần giúp chúng ta ta tìm thấy niềm vui, hay thắp lên nguồn cảm hứng trong cuộc sống. Không những thế, y học hiện đại còn chỉ ra rằng âm nhạc cũng là liệu pháp giúp điều trị các chứng bệnh thần kinh và tâm lý cực kỳ hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu về liệu pháp này vì biết đâu đây có thể là “cứu cánh” giúp chúng ta chữa lành tâm hồn và thể chất mà ta vẫn đang tìm kiếm bấy lâu.
Trị liệu bằng âm nhạc (Music Therapy) là gì?
Trị liệu bằng âm nhạc là một phương pháp trị liệu sử dụng các đặc tính cải thiện tâm trạng tự nhiên của âm nhạc để giúp mọi người nâng cao sức khỏe toàn diện. Trị liệu bằng âm nhạc thường bao gồm các hoạt động sau:
- Sáng tác các giai điệu
- Viết ra lời bài hát
- Ca hát
- Nhảy/ khiêu vũ
- Nghe nhạc
- Thảo luận về âm nhạc
Phương pháp trị liệu này có thể mang lại nhiều lợi ích cho những ai đang mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu, đồng thời còn có thể hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống. Bất kỳ ai cũng có thể trải nghiệm và hưởng lợi với liệu pháp này, ngay cả khi họ không có kiến thức nền về âm nhạc.
Các loại hình trị liệu bằng âm nhạc
Trị liệu bằng âm nhạc có thể là quá trình mang tính chủ động (chúng ta tự sáng tác ra bản nhạc) hoặc bị động (chúng ta lắng nghe âm nhạc và đưa ra phản hồi). Ở một số trường hợp, nhà trị liệu sẽ kết hợp cả tương tác chủ động lẫn bị động với âm nhạc trong quá trình trị liệu.
Dưới đây là một số phương pháp trị liệu bằng âm nhạc mà chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận:
1. Liệu pháp âm nhạc phân tích
Liệu pháp này khuyến khích chúng ta “đối thoại” với âm nhạc một cách ngẫu hứng thông qua việc ca hát hoặc chơi một loại nhạc cụ. Điều này sẽ giúp chúng ta “định hình” những suy nghĩ trong vô thức, sau đó suy ngẫm về nó và trao đổi với bác sĩ trị liệu.
2. Liệu pháp âm nhạc Benenzon
Liệu pháp này là sự kết hợp giữa một vài khái niệm trong phân tâm học và việc làm nhạc. Nói cách khác, Benenzon cũng chính là quá trình đi tìm “bản sắc âm nhạc” của chúng ta, thông qua việc mô tả những âm thanh bên ngoài phù hợp nhất với trạng thái tâm lý bên trong của bạn.
3. Liệu pháp âm nhạc nhận thức hành vi (CBMT)
Cách tiếp cận này là sự kết hợp giữa liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT) với âm nhạc. Trong CBMT, âm nhạc được sử dụng nhằm củng cố hay điều chỉnh một số hành vi. Liệu pháp này có cấu trúc rõ ràng, không mang tính ngẫu hứng và có thể bao gồm các hoạt động như nghe nhạc, nhảy, ca hát hoặc chơi một nhạc cụ.
4. Liệu pháp âm nhạc cộng đồng
Liệu pháp này tập trung vào việc sử dụng âm nhạc như một cách để tạo ra những thay đổi ở cấp độ cộng đồng. Liệu pháp âm nhạc cộng đồng thường được thực hiện theo nhóm và đòi hỏi các thành viên phải nhiệt tình tham gia.
5. Liệu pháp âm nhạc Nordoff-Robbins
Hay còn được gọi là liệu pháp âm nhạc sáng tạo, thường liên quan đến việc chơi một nhạc cụ (có thể là trống hay chũm chọe) trong khi nhà trị liệu cũng chơi một loại nhạc cụ khác song song lúc đó. Quá trình sáng tác ngẫu hứng khi sử dụng âm nhạc như một “chất xúc tác” giúp kích hoạt khả năng thể hiện bản thân của mỗi người.
6. Liệu pháp Bonny về hình ảnh và âm nhạc có hướng dẫn (GIM)
Hình thức trị liệu này sử dụng âm nhạc cổ điển như một cách để kích thích trí tưởng tượng. Trong phương pháp này, chúng ta sẽ đưa ra lời giải thích về những cảm xúc, cảm giác, ký ức và hình ảnh mà bản thân cảm nhận khi đang nghe nhạc.
7. Trị liệu tâm lý bằng thanh nhạc
Với phương pháp này, chúng ta sử dụng các bài tập thanh nhạc, âm thanh tự nhiên và các kỹ thuật thở khác nhau để kết nối với cảm xúc và những thôi thúc từ trong nội tại. Liệu pháp này hướng tới việc tạo ra cảm giác kết nối sâu sắc với bản thân.
Trị liệu âm nhạc sẽ hữu ích cho những vấn đề nào?
Theo các nghiên cứu, trị liệu âm nhạc có thể hữu ích với những người mắc bệnh Alzheimer, lo lắng hoặc căng thẳng, trầm cảm, có vấn đề liên quan đến giao tiếp (ngôn ngữ không lời và có lời), rối loạn cảm xúc, tự ti…
Nghiên cứu cũng cho thấy liệu pháp này còn phù hợp với những người gặp chứng mất ngủ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tâm thần phân liệt, đột quỵ hay rối loạn thần kinh.
Với trẻ em và thanh thiếu niên, trị liệu âm nhạc là cách để cải thiện kỹ năng giao tiếp, điều tiết cảm xúc, phục hồi sau chấn thương, phát triển nhân cách hay tự soi chiếu bản thân.
Lợi ích của trị liệu bằng âm nhạc
Trị liệu bằng âm nhạc có thể được cá nhân hóa cao để phù hợp với mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Liệu pháp này còn có tính linh hoạt cao, mang lại lợi ích cho nhiều người với nhiều mức độ trải nghiệm âm nhạc, sức khỏe tâm thần và thể chất khác nhau.
Tương tác với âm nhạc có thể giúp chúng ta:
- Kích hoạt các vùng của não bộ có ảnh hưởng đến trí nhớ, cảm xúc, chuyển động, chuyển tiếp cảm giác, một số chức năng không tự chủ, việc đưa ra quyết định và tự khen thưởng.
- Đáp ứng nhu cầu được giao tiếp xã hội của người lớn tuổi trong môi trường nhóm.
- Giảm nhịp tim và huyết áp.
- Giảm mức độ căng cơ.
- Kích thích cơ thể sản sinh ra endorphin – loại hormone giảm đau tự nhiên của cơ thể.
- Giảm căng thẳng và khuyến khích cơ thể hướng tới cảm giác an yên.
- Tăng cường khả năng vận động và giao tiếp cho trẻ em, thanh niên chậm phát triển/ thiểu năng trí tuệ.
Các nghiên cứu cũng cho thấy âm nhạc có thể mang đến hiệu quả mạnh mẽ cho những người sa sút trí tuệ hay gặp những rối loạn về trí nhớ khác.
Nhìn chung, trị liệu bằng âm nhạc có thể làm gia tăng những cảm giác tích cực như bình tĩnh, yên bình, hạnh phúc, tự tin, mạnh mẽ hay tình cảm thân mật.
Hiệu quả của trị liệu âm nhạc
Tác dụng và lợi ích của trị liệu bằng âm nhạc đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Những phát hiện chính từ các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra liệu pháp này có thể hữu ích cho những người bị trầm cảm lo âu, rối loạn giấc ngủ và thậm chí là ung thư.
1. Điều trị trầm cảm
Các nghiên cứu cho thấy trị liệu bằng âm nhạc có thể trở thành một phần hữu hiệu trong quá trình điều trị trầm cảm. Việc sử dụng liệu pháp âm nhạc đạt được hiệu quả cao nhất cho những người bị trầm cảm khi được kết hợp với các phương pháp điều trị thông thường (chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý).
Khi sử dụng kết hợp với các hình thức điều trị khác, trị liệu bằng âm nhạc có thể giúp giảm bớt những suy nghĩ ám ảnh, trầm cảm và lo lắng ở những người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
2. Mất ngủ
Nhiều người nhận thấy âm nhạc hay thậm chí là tiếng ồn trắng giúp họ dễ ngủ hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trị liệu bằng âm nhạc có thể giúp ích cho những người bị rối loạn giấc ngủ, hoặc mất ngủ do trầm cảm.
So với thuốc hay các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ khác, trị liệu bằng âm nhạc được xem là phương pháp ít xâm lấn hơn, giá cả phải chăng hơn và ai cũng có thể áp dụng dễ dàng để tự kiểm soát tình trạng bản thân.
3. Kiểm soát các cơn đau
Âm nhạc đã được khám phá ra như một phương pháp tiềm năng để kiểm soát cơn đau cấp tính và mãn tính ở mọi nhóm tuổi. Theo nghiên cứu, nghe nhạc khi chữa bệnh sau phẫu thuật hoặc chấn thương sẽ giúp cả trẻ em và người lớn đối phó với những cơn đau thể xác.
Trị liệu bằng âm nhạc có thể giúp xoa dịu những cơn đau liên quan đến tình trạng bệnh mãn tính, chuyển dạ và sinh con hay phẫu thuật.
4. Bệnh ung thư
Đối với những bệnh nhân ung thư, nỗi đau về mặt tinh thần cũng không kém với những đau đớn thể chất mà họ phải trải qua. Do vậy, những người mắc bệnh ung thư cần được chăm sóc, hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau để ổn định sức khỏe tinh thần.
Liệu pháp âm nhạc đã được chứng minh giúp giảm lo lắng ở những bệnh nhân ung thư đang bắt đầu xạ trị, cũng như giúp họ đối phó với các tác dụng phụ của hóa trị như buồn nôn.
Trị liệu bằng âm nhạc cũng có thể mang lại lợi ích về mặt tinh thần cho những người bị trầm cảm sau khi nhận chẩn đoán ung thư, trong và cả sau quá trình điều trị bệnh.
Những điều cần cân nhắc
Bản thân việc trị liệu bằng âm nhạc không phải là phương pháp để điều trị tất cả vấn đề, bao gồm cả rối loạn sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên khi kết hợp với việc sử dụng thuốc, hay các liệu pháp tâm lý và biện pháp can thiệp khác, trị liệu bằng âm nhạc có thể trở thành một phần hữu hiệu trong phác đồ điều trị.
Nếu chúng ta gặp khó khăn khi nghe, đeo máy trợ thính hoặc cấy ghép thính giác, hãy nói chuyện với bác sĩ tai mũi họng trước khi thực hiện trị liệu bằng âm nhạc để đảm bảo tính an toàn. Tương tự, trị liệu bằng âm nhạc kết hợp chuyển động hay nhảy theo nhạc sẽ không phù hợp nếu chúng ta đang bị đau, chấn thương hay tình trạng thể chất gây khó khăn cho việc tập luyện.
Có thể thấy, bằng cách lắng nghe, hòa mình vào những giai điệu, chúng ta cũng có thể đưa mình vào thế giới của sự yên bình, thư giãn; đồng thời cải thiện thể chất cũng như tinh thần ngày một tốt hơn. Nếu cảm thấy bản thân đang gặp phải những vấn đề như đã đề cập trong bài, đừng ngại ngần tìm đến việc trị liệu bằng âm nhạc, vì biết đâu chúng ta sẽ tìm ra một “lối thoát” cho những rắc rối này.